Lượt xem: 1264

Sóc Trăng từng bước phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học

Thời gian qua, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng theo từng năm. Hiện toàn tỉnh có khoảng 07 triệu con gia cầm và gần 120.000 con gia súc. Với số lượng tổng đàn khá lớn, công tác phòng ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi cũng gặp không ít khó khăn. Nhằm đảm bảo tính an toàn trong công tác quản lý dịch bệnh, hướng đến phát triển ngành chăn nuôi bền vững; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã và đang đẩy mạnh các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học; tạo tiền đề để phát triển lĩnh vực chăn nuôi theo hướng hữu cơ.

 


Mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học. Ảnh Ngọc Thơ

 

    Trong những năm qua, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm liên tục có những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường và kéo dài với nhiều dịch bệnh điển hình như: Bệnh cúm gia cầm, bệnh heo tai xanh, đặc biệt là bệnh dịch tả heo Châu Phi.  Từ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh, ngành thú y tỉnh Sóc Trăng đã khuyến cáo người chăn nuôi, các công ty, doanh nghiệp nên mạnh dạn chuyển đổi và phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại kín, trại công nghệ cao, chuyển đổi từ hình thức chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế dịch bệnh. Đồng chí Lâm Minh Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng cho biết: “An toàn sinh học đối với các trang trại, hộ chăn nuôi việc thực hiện đồng bộ các biện pháp vệ sinh thú y nhằm ngăn chặn mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào (cách ly) và tiêu diệt mầm bệnh tồn tại ở bên trong các cơ sở chăn nuôi (vệ sinh - sát trùng). Đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi. Mô hình an toàn sinh học là biện pháp giảm bớt nguy cơ nhiễm bệnh và lây lan các loại mầm bệnh, là sự bảo vệ đàn gia súc, gia cầm cho năng suất cao, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi mà còn cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm chất lượng tốt, an toàn thực phẩm. Vì vậy trong những năm qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y luôn quan tâm, khuyến cáo người chăn nuôi chuyển sang nuôi theo trang trại kín để đảm bảo an toàn sinh học, hạn chế dịch bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, điều quan trọng là cung ứng cho thị trường những sản phẩm thịt động vật an toàn, chất lượng”.

    Nhờ chứng minh được hiệu quả về kinh tế và phòng, chống dịch bệnh nên phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học ngày càng được nhiều hộ nuôi, chủ các trang trại chăn nuôi áp dụng. Như tại huyện Mỹ Tú, hiện toàn huyện có 710.000 con gia cầm, hầu hết là hộ nuôi nhỏ lẻ. Trên địa bàn huyện hiện có 01 trang trại chăn nuôi gà quy mô lớn thuộc Công ty Emivest với quy mô 08 khu, mỗi khu có từ 19.000 đến 20.000 con gà, chủ yếu là giống gà Bình Định. Thực hiện tốt khuyến cáo của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Mỹ Tú về đảm bảo điều kiện an toàn sinh học trong chăn nuôi; toàn khu nuôi được thiết kế riêng biệt với nhà ở các hộ lân cận, có xây dựng hố khử trùng và thực hiện phun thuốc khử trùng đối với người hoặc phương tiện ra vào trang trại. Tại mỗi khu nuôi có hàng rào bao quanh nhằm hạn chế sự xâm nhập từ các vật nuôi khác. Ngoài ra, công ty còn thiết kế máng ăn, máng uống riêng biệt theo hình thức tự động để tránh rơi, đổ; đảm bảo môi trường chăn nuôi  thông thoáng, sạch sẽ. Ông Cao Văn Huỳnh - Quản lý Trang trại gà, Công ty Emivest tại huyện Mỹ Tú chia sẻ: “Chúng tôi thực hiện thả nuôi một lượt, rồi xuất bán một lượt. Sau mỗi lần xuấn bán mình cũng thực hiện tổng vệ sinh chuồng trại theo đúng khuyến cáo của cơ quan thú y địa phương. Sau đó tạm ngưng ít nhất là 02 tuần mới bắt đầu thả nuôi lứa mới. Từ khi thực hiện chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học thấy đàn gà phát triển khỏe mạnh và ít xảy ra bệnh”.

    Riêng tại huyện Cù Lao Dung, thời gian gần đây, ngành chăn nuôi của huyện phát triển khá đa dạng và đạt được những thành tích khả quan, sản phẩm chăn nuôi ngày càng tăng, chất lượng giống vật nuôi có nhiều cải tiến. Các chương trình, chính sách hỗ trợ được triển khai kịp thời đã tạo nhiều điều kiện để người chăn nuôi đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung trang trại, gia trại đảm bảo an toàn dịch bệnh. Tính đến tháng 4 năm 2021, toàn huyện có hơn 145.000 con gia cầm và gần 10.000 con gia súc; hầu hết người nuôi đã có ý thức hơn trong việc phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, thực hành các giải pháp an toàn sinh học trong quá trình phát triển nghề nuôi từ khâu thiết kế chuồng trại, cách ly con giống mới nhập hay các bước quản lý dịch bệnh. Anh Nguyễn Văn Tâm, hộ chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học ở ấp Văn Sáu, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung cho biết: “Khi chăn nuôi mình cũng hạn chế khách đến tham quan hay để người lạ ra vào trại, định kỳ thực hiện đầy đủ việc tiêm phòng bệnh cho vật nuôi. Ngay cả việc nhập giống hay mua thức ăn đầu vào cũng phải có giấy tờ kiểm dịch và nguồn gốc đàng hoàng mình mới nhập vào sử dụng”.

    Thời gian gần đây, sản xuất nông nghiệp tại Sóc Trăng, đặc biệt là trên lĩnh vực trồng trọt đã có được những chuyển biến tích cực thông qua việc phát triển các mô hình canh tác an toàn theo hướng hữu cơ hay VietGAP. Để tạo sự phát triển đồng bộ hơn cả trong chăn nuôi và trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã tổ chức nhiều đợt tham quan, học hỏi các mô hình chăn nuôi tiến bộ từ nhiều địa phương trên cả nước. Đồng thời, triển khai kế hoạch kết hợp cùng các công ty, doanh nghiệp thực hiện phát triển ngành chăn nuôi hữu cơ; cùng với đó là thúc đẩy nhiều hơn nữa hình thức liên kết chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm đầu ra và khâu tiêu thụ. Đồng chí Lâm Minh Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng thông tin thêm: “Hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đang xây dựng Đề án phát triển chăn nuôi hữu cơ tại tỉnh Sóc Trăng, trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, chúng tôi sẽ phối hợp với các công ty, doanh nghiệp có uy tín hỗ trợ, tạo điều kiện khuyến khích người dân chăn nuôi theo hướng hữu cơ để tăng thu nhập, giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm chất lượng và an toàn, từ khâu đầu vào chăn nuôi đến giết mổ, vận chuyển, bảo quản, đóng gói và phân phối sản phẩm, tiêu dùng trong nước, hướng đến xuất khẩu”.

    Có thể thấy, bảo đảm an toàn sinh học trong chăn nuôi là cần thiết để phòng, chống dịch bệnh, hướng đến mục tiêu sản xuất sản phẩm thịt động vật theo hướng sạch, giảm ô nhiễm môi trường, giảm nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, góp phần đưa ngành chăn nuôi tỉnh nhà phát triển theo hướng an toàn, bền vững. Đây cũng là yêu cầu thiết yếu trong xu thế phát triển chăn nuôi thời hội nhập nhằm nâng sức cạnh tranh, khẳng định giá trị sản phẩm mang thương hiệu Việt trên thị trường trong và ngoài nước.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 85
  • Hôm nay: 376
  • Trong tuần: 70,803
  • Tất cả: 11,802,810